ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỊ SUY GIÃN TĨNH MẠCH

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 363 Lượt xem

Ở Việt Nam, theo thống kê của hội Tĩnh mạch học TP.HCM, tỷ lệ người bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm vào khoảng 5 – 8% ở những người trưởng thành. Bài viết dưới đây sẽ giúp bệnh nhân có một phương pháp điều trị và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới đơn giản, hiệu quả.

dieu tri phong ngua va cham soc nguoi bi suy gian tinh mach

ĐIỀU TRỊ SUY DÃN TĨNH MẠCH Ở CHI DƯỚI

CÓ 3 PHƯƠNG PHÁP CHÍNH:

- Thường dùng nhất là sử dụng băng hoặc vớ y khoa nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu.
- Cách thứ hai là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch, hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ.
- Phương pháp thứ ba là can thiệp ngoại khoa.

PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỊ SUY DÃN TĨNH MẠCH

1. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

Người bị suy dãn tĩnh mạch nên đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin đồng thời có đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc... để tránh bị táo bón; không nên để bị béo phì, nếu quá béo thì cần giảm trọng lượng. Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày (nhu cầu nước mỗi ngày cho cơ thể một người lớn là 2 lít nước)

 2. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT
  • Quần áo: không nên mặc loại quần áo chật, đặc biệt là quần chật bó sát ở vùng chậu hông, chân
  • Giày dép: nên mang giày có đế mềm và gót thấp, không nên mang giày cao gót, nên bước đi tự nhiên sao cho trọng lượng dồn đều lên cả hai bàn chân.
  • Nằm, ngồi đúng tư thế: Khi nằm nên kê chân lên cao hơn mức của tim 15-20 cm tạo thuận lợi cho máu về tim qua đường tĩnh mạch. Ghế ngồi có chiều cao phù hợp để khi ngồi hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân; không ngồi đung đưa chân, mặt dưới đùi vừa chạm mặt ghế để giảm tối đa lực ép lên mặt dưới đùi, không cản trở lưu thông máu tĩnh mạch chạy dọc mặt sau đùi; cần tránh những tư thế ngồi gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân...
  • Đi lại: Nên đi bộ thường xuyên, hạn chế đi thang máy nếu có thể để có nhiều cơ hội tập cho tĩnh mạch, nếu phải đứng nhiều thì thỉnh thoảng nên chạy tại chỗ để giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch .
  • Tránh mang vác, khiêng xách nặng vì sẽ làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải.
  • Thể dục thể thao: Nên tập thể dục thường xuyên, có thể tập và chơi những môn thể thao có động tác nhịp nhàng và nhẹ nhàng như, đi bộ, bơi lội, xe đạp khiêu vũ...Không nên chơi những môn thể thao có cử động mạnh và chuyển hướng đột ngột gây chấn động lên hệ tĩnh mạch chân như cử tạ, nhảy cao, nhảy xa, chạy tốc độ, tennis, bóng đá...
  • Không nên xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng vì nóng càng làm cho tĩnh mạch giãn nở, làm giảm khả năng vận chuyển máu trở về tim. Không tắm nước quá nóng, sau khi tắm xong nên xối lại chân bằng nước lạnh, nước lạnh sẽ làm co tĩnh mạch giúp cho sự chuyển máu về tim dễ dàng hơn.
Nguồn: Hệ thống Y tế Vinmec.
 

Bài viết khác