Điều trị đau khớp gối không quá khó như bạn nghĩ!

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 173 Lượt xem

Điều trị đau khớp gối có thể bao gồm các biện pháp tự chăm sóc tại nhà, dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ chấn thương và nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu gối.

Những cách điều trị đau khớp gối phổ biến

1. Cách chữa đau khớp gối tại nhà

Các cách chữa đau khớp gối tại nhà thường áp dụng cho những trường hợp đau nhẹ và bạn sẽ thấy dễ chịu hơn sau một vài ngày, có thể bao gồm:

  • Xoa bóp đầu gối. Một số người cảm thấy dễ chịu hơn sau khi xoa bóp đầu gối bị đau với các loại kem có chứa chất gây tê, chẳng hạn như lidocaine hoặc capsaicin.
  • Nghỉ ngơi. Tạm dừng hoạt động sẽ giảm căng thẳng lặp đi lặp lại ở đầu gối, giúp vết thương có thời gian tự chữa lành và ngăn ngừa tổn thương thêm. Hãy nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau giảm bớt. Bạn có thể cần 1-2 ngày để phục hồi sau một chấn thương nhẹ.
  • Chườm đá. Dùng túi đá bọc trong khăn mỏng và chườm lên khớp gối để giảm đau và viêm. Mặc dù liệu pháp chườm đá khá an toàn và hiệu quả, nhưng không nên chườm lâu hơn 20 phút mỗi lần vì có nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh và da.
  • Chườm nóng. Bạn có thể giảm đau tạm thời bằng cách chườm túi nhiệt hoặc chai nước nóng lên vùng bị đau trên đầu gối.
  • Kê cao chân. Để giúp giảm sưng, hãy thử kê chân có đầu gối bị thương lên cao.

2. Thuốc điều trị đau khớp gối

Các loại thuốc trị đau khớp gối thường dùng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau chống viêm thông thường. Một số loại thuốc không kê đơn có tác dụng giảm đau chẳng hạn như paracetamol, ibuprofen và naproxen natri có thể giúp giảm đau đầu gối.
  • Thuốc giảm đau mạnh. Nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn như codeine. Vì thuốc này có nhiều tác dụng phụ và dễ gây phụ thuộc thuốc, nên chỉ được kê đơn và sử dụng trong thời gian ngắn.
  • Thuốc bôi. Không rõ liệu thuốc này có hoạt động tốt hơn thuốc điều trị đau khớp gối dạng viên uống hay không. Tuy nhiên, dùng thuốc giảm đau bôi ngoài da sẽ có ít nguy cơ gặp tác dụng phụ toàn thân hơn.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các tình trạng bệnh lý cụ thể gây đau khớp gối, chẳng hạn như căn bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút.

Bạn sẽ cần đến bác sĩ thăm khám nếu đầu gối bị sưng to và đau nghiêm trọng, đầu gối biến dạng, mất khả năng vận động, kèm theo sốt; cơn đau khớp gối có liên quan đến tình trạng bệnh lý khác hoặc khi bị chấn thương nặng.

3. Vật lý trị liệu

Điều trị đau khớp gối bằng vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau tùy thuộc vào phần nào của đầu gối đang bị ảnh hưởng và nguyên nhân gây ra nó. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp cho bạn. Các phương pháp bao gồm:

  • Bài tập. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể đề xuất các loại bài tập tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của các cơ xung quanh đầu gối dựa trên nguyên nhân cụ thể đang gây ra cơn đau. Đôi khi bạn phải rèn luyện trong một thời gian dài để phục hồi chấn thương.
  • Nẹp cố định đầu gối. Các loại nẹp khác nhau có thể được sử dụng để giúp giảm áp lực ở phần đầu gối bị ảnh hưởng, bảo vệ và nâng đỡ khớp gối. Đây là cách điều trị đau khớp gối phổ biến do nguyên nhân viêm xương khớp.
  • Băng vào xương bánh chè. Phương pháp này sử dụng băng dính dán trên xương bánh chè để thay đổi cách xương bánh chè cố định hoặc vận động.

4. Tiêm

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc hoặc các chất khác trực tiếp vào khớp để giảm đau. Cụ thể như sau:

  • Thuốc corticoid. Tiêm thuốc corticosteroid vào khớp gối giúp giảm đau do viêm khớp trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng với cách điều trị đau khớp gối này.
  • Axit hyaluronic. Đây là một chất lỏng đặc, tương tự như chất lỏng bôi trơn khớp tự nhiên. Axit hyaluronic được tiêm vào đầu gối để cải thiện khả năng vận động và giảm đau. Thời gian bắt đầu có tác dụng của nó sẽ chậm hơn corticoid nhưng có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). PRP chứa nồng độ của nhiều yếu tố tăng trưởng khác nhau có tác dụng giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành.

5. Phẫu thuật

Nếu bạn bị chấn thương nặng thì có thể cần phải được phẫu thuật để sửa chữa những tổn thương. Trước khi đưa ra quyết định, hãy thảo luận với bác sĩ về ưu nhược điểm khi phẫu thuật điều trị đau khớp gối và cả việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Các lựa chọn bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi khớp gối. Sử dụng dụng cụ đặc biệt gắn vào ống thông nhỏ. Ống thông này được đưa vào qua một vài vết rạch nhỏ xung quanh đầu gối của bạn. Nội soi khớp gối ứng dụng để sửa chữa hoặc loại bỏ phần của sụn khớp bị hư hỏng và tái tạo lại các dây chằng bị rách.
  • Phẫu thuật thay một phần khớp gối. Trong quy trình này, bác sĩ chỉ thay thế phần đầu gối bị tổn thương nhiều nhất bằng các bộ phận nhân tạo làm bằng kim loại và nhựa. Phẫu thuật thường chỉ tạo các vết mổ nhỏ nên tốc độ chữa lành nhanh hơn so với phẫu thuật thay toàn bộ đầu gối.
  • Thay toàn bộ đầu gối. Xương và sụn bị hư hỏng bị cắt bỏ toàn bộ khỏi xương đùi, xương ống chân và xương bánh chè. Sau đó, bác sĩ thay thế nó bằng một khớp nhân tạo làm bằng hợp kim kim loại, nhựa cao cấp hoặc polyme.
  • Cắt khớp. Thủ thuật này loại bỏ khớp khỏi xương đùi hoặc xương ống chân để giảm đau do viêm khớp, nhằm trì hoãn hoặc tránh phẫu thuật thay toàn bộ đầu gối.

Phòng ngừa tình trạng đau khớp gối

Dù không thể điều trị đau khớp gối nhưng một số lưu ý sau đây có thể hạn chế chấn thương và làm chậm thoái hóa khớp:

  • Giảm cân. Béo phì có thể gây thêm căng thẳng cho các khớp, làm tăng nguy cơ chấn thương và viêm xương khớp.
  • Duy trì tư thế chuẩn. Duy trì tư thế đứng thẳng, thoải mái trong các hoạt động hàng ngày, cũng như tập luyện đúng kỹ thuật khi tham gia các môn thể thao.
  • Rèn luyện cơ bắp. Cơ bắp yếu là nguyên nhân hàng đầu gây ra chấn thương đầu gối. Bạn sẽ được hưởng lợi từ việc rèn luyện cơ tứ đầu và gân kheo, các cơ ở mặt trước và mặt sau của đùi. Hãy hỏi bác sĩ về bài tập phù hợp.
  • Tập thể dục vừa sức. Nếu bạn bị viêm xương khớp, đau đầu gối mãn tính hoặc chấn thương tái phát, bạn có thể cần thay đổi cách tập thể dục. Hãy cân nhắc chuyển sang bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước hoặc các hoạt động nhẹ nhàng khác, ít nhất là trong vài ngày đến một tuần để hạn chế chấn thương. Đồng thời nhớ hạn chế các hoạt động tác động mạnh vào đầu gối.

Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn biết rõ hơn về các cách điều trị đau khớp gối, cũng như những phương pháp phòng ngừa tình trạng này một cách hiệu quả.

Theo: Hello Bác Sĩ

Bài viết khác