Chuột rút và biện pháp phòng ngừa

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 182 Lượt xem

Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ loại cơ nào, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi ngành nghề khác nhau. Chuột rút nói chung không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tuy vậy, một số trường hợp sẽ rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời.

1. Chuột rút và nguyên nhân

Chuột rút là hiện tượng khá thường gặp và thường xuất hiện nhiều nhất là ở các chi dưới, ngoài ra còn gặp chuột rút ở các bộ phận khác của cơ thể.

Khi bị chuột rút thường gây đau đớn, thậm chí rất đau, co quắp các ngón tay, ngón chân (nếu xảy ra ở các cơ bàn tay, ngón tay hoặc ở bắp chân, bàn chân) hoặc gây đau đớn ở kẽ liên sườn vùng ngực làm nhầm tưởng bị bệnh về tim hoặc gây đau quặn bụng (đau bụng kinh…).
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chuột rút làm ảnh hưởng đến hiện tượng thiếu ôxy cung cấp cho cơ và rối loạn một số chất điện giải quan trọng (thiếu canxi hoặc kali máu). Hiện tượng thiếu ôxy và chất điện giải thường xảy ra ở người vận động nhiều, liên tục không nghỉ ngơi làm cho lượng mồ hôi bài tiết quá nhiều mà không được bù đắp hoặc bù đắp nhưng không đủ.
Chuột rút thường xảy ra ở các cơ bắp lớn, đặc biệt là các cơ bắp chân, cơ đùi, cơ bàn tay, bàn chân, cơ bụng, cơ liên sườn do vận động quá mạnh, quá lâu hoặc vận động khi thời tiết quá nóng, quá lạnh. Chuột rút thường xảy ra ban đêm do ban ngày đứng hoặc ngồi quá lâu nhất là đứng lâu trên một mặt phẳng, cứng làm cho cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc.
Một số phụ nữ bị đau bụng kinh cũng là một dạng chuột rút tại vùng bụng gây nên hiện tượng đau lan tỏa vùng thắt lưng và đùi với lý do là máu phải đến cổ tử cung và tử cung nhiều hơn.

Một số phụ nữ đang mang thai thường bị chuột rút, nhất là vào ban đêm, đặc biệt ở những phụ nữ mang thai bị nghén nhiều (nôn), kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tháng trong khi đó không ăn được hoặc ăn rất ít.

Có một vài giả thuyết cho rằng khi phụ nữ mang thai thì các cơ ở chân phải làm việc quá sức để nâng đỡ trọng lượng tăng lên của cơ thể trong giai đoạn thai kỳ hoặc do tử cung ngày một to ra làm gia tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ các chi dưới lên cơ tim và đến các giây thần kinh tủy sống đến chi dưới.

Ngoài ra, chuột rút có thể xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp trạng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật (hay ra mồ hôi và ra liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm) hoặc chuột rút xảy ra ở những người bệnh đang dùng một số thuốc như albuterol, niacin, thuốc lợi tiểu hoặc một số thuốc điều trị của bệnh nhân tâm thần…

2. Xử trí khi chuột rút

Khi bị chuột rút, ngay lập tức cần làm cho hiện tượng chuột rút giảm đi hoặc biến mất. Ví dụ, chuột rút ở cơ bắp chân thì cần duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng dùng tay uốn cong các ngón chân ra phía sau, ép mạnh một tay vào gót chân. Lúc mới áp dụng có vẻ thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại.
Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng ở bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn. Tại nơi bị chuột rút, nếu có điều kiện có thể xoa các loại dầu làm nóng da và cơ để máu càng dễ lưu thông. Người hay bị đau bụng kinh, nên dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

3. Phòng chuột rút thế nào?

- Để tránh chuột rút xảy ra nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên nhằm làm lưu thông khí huyết. Mỗi ngày nên tập vận động như đi bộ, tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần. Nếu có điều kiện nên tập các bài tập về kéo căng cơ chân, tay nhất là các vận động viên.

- Những người phải ngồi lâu để làm việc, sau vài giờ làm việc nên đứng dậy, đi lại, vận động nhẹ khoảng từ 5 – 10 phút.

- Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, sông, bể bơi nước lạnh, đặc biệt lưu ý với người hay bị chuột rút.

- Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung thêm nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung nước muối sinh lý).

- Cần uống đủ lượng nước trong ngày/đêm (khoảng trên 1,5lít).

- Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung thêm các loại quả như chuối, cam, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê…

- Đối với phụ nữ mang thai nên đi bộ hàng ngày, mỗi ngày chỉ cần đi bộ từ 15 - 20 phút (trừ những trường hợp thầy thuốc sản khoa khuyên không được đi bộ). Ngoài ra, cần bổ sung các loại canxi, a xít folic, magiê, sắt, bởi vì, canxi sẽ có tác dụng ngăn ngừa tốt đối với hiện tượng chuột rút. Thai phụ cũng nên tắm nước ấm hàng ngày, tránh làm việc nặng, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một vị trí.

Với bất kỳ ai nếu chuột rút xảy ra nhiều lần cần đến cơ sở y tế tin cậy khám bệnh để được xác định nguyên nhân và trong trường hợp cần thiết sẽ được chỉ định dùng thuốc.

Theo: Sức Khỏe và Đời Sống

Bài viết khác