CHĂM SÓC CHÂN CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 521 Lượt xem

Ở bệnh nhân Đái tháo đường (ĐTĐ) thì biến chứng loét chân rất thường gặp tình trạng tồi tội nhất là có thể gây cụt chi. Vì vậy, cần phải chăm sóc cẩn thận cho bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường


cham soc chan cho benh nhan dai thao duong
Điều quan trọng nhất và cần thực hiện trước tiên là người bệnh cần thay đổi lối sống giúp kiểm soát tốt các chỉ số về đường huyết, huyết áp và cholesterol, không uống rượu, bia, chất kích thích hay hút thuốc lá, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định mỗi ngày. Ngoài ra, còn cần thực hiện:

Kiểm tra bàn chân hàng ngày: Với việc làm này, người bệnh nên chọn thời điểm thích hợp, thường là buổi tối và làm như một thói quen. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn nơi đủ ánh sáng để có thể quan sát kỹ bàn chân, các kẽ ngón chân, phát hiện các vết nứt, phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da. Trường hợp không thể cúi xuống để nhìn bàn chân được thì có thể dùng một chiếc gương thích hợp hoặc nhờ người thân giúp đỡ.

Vệ sinh chân hàng ngày: Người bệnh ĐTĐ cần cẩn thận rửa sạch chân, đặc biệt là kẽ ngón chân với nước ấm và xà phòng trung tính nhưng không được ngâm quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô có thể dùng kem dưỡng da bôi lên trên mu chân và dưới lòng bàn chân để giữ cho da được ẩm và trơn, nhưng không bôi vào kẽ ngón chân.

Cắt móng chân: Thời gian để thực hiện việc này có thể là mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào người bệnh thấy móng chân đã mọc dài. Khi cắt cần chú ý cắt tỉa móng theo đường vòng của ngón, không để móng dài, không cắt quá ngắn, không cắt sâu vào các khóe móng, không tự ý cắt bỏ chai chân hay thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để loại bỏ vết chai này như dùng dao cạo hay băng dính…

Giữ cho mạch máu được lưu thông: Đây là việc làm hết sức quan trọng giúp máu di chuyển đều đặn nuôi dưỡng bàn chân. Do đó, trong hoạt động hàng ngày, khi ngồi người bệnh không nên bắt chéo chân quá lâu mà nên đặt chân ở tư thế ngang kết hợp cử động các ngón chân trong khoảng 5-10 phút, luyện tập đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội… Bàn chân không nên đi tất chật, đàn hồi hay có vòng cao su ở quanh cổ chân.

Cách chọn giày dép: Do bàn chân ở người bệnh ĐTĐ rất dễ tổn thương mà người bệnh lại không cảm nhận được nên việc chọn giày dép hay những lưu ý khi sử dụng rất cần thiết. Người bệnh cần luôn mang giày dép thích hợp để bảo vệ bàn chân kể cả khi đi lại trong nhà và lúc lao động ngoài trời. Khi bắt đầu đi giày, dép luôn cần kiểm tra trong lòng giày dép xem có gạch đá, vật nhọn, những chỗ gồ ghề, thủng rách hay không để loại bỏ, đi tất (loại không có chỗ nối) nhằm tránh cho bàn chân bị tổn thương. Nên chọn loại giày bằng chất liệu mềm, vừa chân, bên trong có miếng lót mềm. Không đi giày cao gót hoặc các loại giày bó lấy bàn chân và gót chân, không đeo trang sức ở bàn chân. Nên mua giày vào buổi chiều hoặc cuối ngày khi chân to nhất, chọn giày vừa cả chiều rộng, chiều dài, vừa cả gót và mõm. Khi thử giày, người bệnh phải đo cả hai chân, đứng để thử giày. Không nên đi giày mới cả ngày mà nên đi thử từ từ, mỗi ngày khoảng 1 đến 2 giờ trong một vài tuần đầu để chân được làm quen.

Một vài lưu ý khác: Khi trời lạnh, người bệnh ĐTĐ chỉ đi tất ở bàn chân, không dùng chai nước nóng hoặc các vật nóng đặt lên chân để làm ấm và cần thay tất hàng ngày vì rất dễ gây bỏng do thần kinh ngoại vi mất cảm giác. Không nên để chân trần tiếp xúc với bề mặt nóng như cát nóng, bề mặt xi măng ngoài trời nắng... Thường xuyên thay giày dép đi trong ngày, nên có hơn 2 đôi đi lại trong ngày với kiểu dáng khác nhau giúp bàn chân không tì đè mãi ở một vị trí.
Nguồn: suckhoevadoisong. com 

Bài viết khác