Cách giảm đau nhức xương khớp hậu Covid

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 190 Lượt xem

Di chứng hậu Covid là vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn nhắc nhở mọi người lưu ý, bởi đây là tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.

Một số triệu chứng thường gặp là khó thở hoặc thở gấp, đau nhức xương khớp (tay, chân, lưng), mất thăng bằng, suy giảm chức năng vận động, yếu cơ, tay chân mất sức, cơ thể dễ mệt mỏi...

Tùy vào thể trạng mỗi người mà di chứng có thể kéo dài từ 12 tuần đến 6 tháng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có những người chỉ bị khó chịu và suy nhược trong khoảng thời gian ngắn rồi hồi phục và trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cũng có người bị di chứng suốt thời gian dài, chưa thể quay lại sinh hoạt và làm việc như trước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp stress do quá trình nhiễm bệnh, cũng như đọc quá nhiều thông tin về hậu Covid rồi trở nên lo lắng, hồi hộp, ăn không ngon ngủ không yên, tinh thần xuống cấp rõ rệt.

Di chứng hậu Covid là phản ứng miễn dịch sau nhiễm trùng do cơ địa đặc biệt của người bệnh. Trong quá trình nhiễm bệnh, nCoV tấn công vào nhiều loại tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào màng trong của mạch máu và các cơ quan hô hấp, gây nhiễm trùng hệ miễn dịch. Điều đáng nói ở đây là mạch máu tồn tại ở mọi nơi trên cơ thể nên một khi mạch máu bị tàn phá sẽ dẫn đến tổn tương tất cả các cơ quan.

Cụ thể, liên quan đến tình trạng khó thở, nguyên nhân là do mạch máu ở phổi bị tổn thương gây sưng viêm tế bào phổi, để lại di chứng là khó thở, thở gấp, thở nặng... Tương tự với tình trạng đau nhức xương khớp, nguyên nhân là do mạch máu ở các vùng cơ - xương khớp bị tổn thương, để lại di chứng là đau khớp, cứng cơ, thậm chí có thể biến chứng thành viêm khớp. Hơn nữa nếu bệnh nhân mắc Covid thể nặng, phải nằm tại giường bệnh lâu ngày, đặc biệt là những ai thở máy càng khiến hệ cơ xương khớp yếu đi.

Ai may mắn khỏi bệnh vẫn không đồng nghĩa bình phục hoàn toàn. Có người cần khoảng vài tháng (nếu nhiễm mức độ nhẹ), thậm chí vài năm (nếu nhiễm mức độ nặng) để phục hồi chức năng, nâng đỡ tinh thần và tẩm bổ cho cơ thể. Thời điểm vàng để phục hồi là ngay sau khỏi bệnh, nhằm rút ngắn thời gian, tăng mức hiệu quả, để người bệnh sớm trở về với nhịp sống thường nhật.

Với những ai bị đau nhức xương khớp, có rất nhiều cách giảm đau từ chườm, bôi thuốc, uống thuốc đến các phương pháp trị liệu bảo tồn không dùng thuốc - không xâm lấn như trị liệu nắn chỉnh cột sống (chiropractic), vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Các phương pháp điều trị bảo tồn này đều có mục đích là phục hồi khả năng vận động, tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện sức khỏe tinh thần do di chứng hậu Covid để lại.

Vật lý trị liệu: Dùng kỹ thuật tay chuyên biệt kết hợp với công nghệ sóng siêu âm và điện xung trị liệu, để tác động sâu vào mô mềm để tăng tuần hoàn mạch máu, giải tỏa căng thẳng tại cơ bắp, giảm đau cơ, cứng cơ, mỏi cơ, cũng như nâng tầm vận động cho các cơ.

Phục hồi chức năng: Ứng dụng hệ thống thiết bị phục hồi chức năng và các bài tập chuyên sâu cho từng vùng trên cơ thể (cổ, vai, lưng, tay chân...) nhằm cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường khả năng vận động ở các khớp.

Trị liệu nắn chỉnh cột sống: Với tác dụng giải phóng áp lực chèn ép tại đốt sống và các khớp, đặc biệt là vị trí ngực (giúp lồng ngực giãn nở tốt hơn, cải thiện khả năng hô hấp). Đồng thời, trị liệu này giảm đau rõ rệt và thúc đẩy quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Có thể nói, phương pháp này là lựa chọn phù hợp với những trường hợp mắc di chứng hậu Covid nặng, cần được điều trị chuyên biệt.

Ba phương pháp trị liệu này đều có tại các phòng khám xương khớp uy tín. Tốt nhất là người bệnh đi tầm soát sức khỏe cột sống để được chẩn đoán chính xác và điều trị bằng liệu trình phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh giữ cho hệ hô hấp ổn định sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông tối đa, hỗ trợ quá trình phục hồi đau xương khớp diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời cải thiện tình trạng thở gấp hoặc khó thở. Người bệnh có thể tập thở theo hai bài tập thở phổ biến như thở cơ hoành và thở mím môi.

Thở cơ hoành

Bước 1: Đặt tay ở bụng dưới, khép môi và đặt lưỡi lên vòm miệng.

Bước 2: Hít vào bằng mũi và đưa không khí xuống bụng.

Bước 3: Từ từ thở ra bằng mũi.

Thở mím môi

- Bước 1: Hít vào bằng mũi rồi khép miệng

- Bước 2: Từ từ thở ra bằng miệng, sao cho thời gian thở ra chậm một nửa so với khi hít vào

Một điều lưu ý là mọi người có thể tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất và hợp lý. Bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, vitamin trong rau xanh và trái cây. Nếu thấy chán ăn, có thể chia ra nhiều bữa ăn nhỏ. Hạn chế ăn đường, không uống rượu, cafe, trà vì có thể gây khó ngủ. Lưu ý không hút thuốc vì gây hại cho phổi - cơ quan bị suy yếu nhất sau quá trình chống chọi với nCoV.

Quá trình phục hồi hậu Covid đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần lạc quan. Dó đó, hãy vững tin rằng cơ thể đang dần tốt lên mỗi ngày. Chăm chỉ tập thể dục, áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, bổ sung dinh dưỡng và giữ cho bản thân luôn vui vẻ là cách hiệu quả nhất giúp nhanh chóng vượt qua di chứng hậu Covid, trở về cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Paul D’Alfonso
Chuyên gia trị liệu Thần kinh cột sống, Phòng khám Maple Healthcare

Bài viết khác