CÁC BÀI TẬP GIÚP GIẢM ĐAU CỔ TAY HIỆU QUẢ

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 282 Lượt xem

Các bài tập giảm đau cổ tay là phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả, có thể được thực hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kỳ ở đâu để cải thiện tình trạng đau cổ tay, nhất là đối với nhân viên văn phòng.

Đau cổ tay nếu không được điều trị gây nhiều bất tiện trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có thể tiến triển và gây ra các biến chứng khác như viêm khớp.

Đau cổ tay có thể được điều trị khỏi nếu chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Có nhiều phương pháp điều trị đau cổ tay, trong đó, các bài tập cổ tay được xem là phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau hiệu quả. Dưới đây là các bài tập giúp giảm đau cổ tay thường được áp dụng:

  • Bài tập giảm đau cổ tay 1: Người bệnh đứng hoặc ngồi, đặt hai tay trước ngực, chắp vào nhau sao cho từ ngón tay đến khuỷu tay được áp sát vào nhau. Giữ hai lòng bàn tay áp sát vào nhau và từ từ hạ hai tay xuống hông, khi đó, cánh tay và khuỷu tay xòe ra. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong 30 giây, sau đó nâng tay lên về vị trí ban đầu và lặp lại.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 2: Người bệnh đứng hoặc ngồi, đưa thẳng một cánh tay phải về phía trước mặt, bàn tay vuông góc với cánh tay và các ngón tay hướng về phía trần nhà. Sau đó, dùng tay trái kéo nhẹ các ngón tay của bàn tay phải theo hướng phía dưới và phía cơ thể. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong 30 giây, sau đó thả tay ra, thực hiện tương tự với tay trái.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 3: Người bệnh đứng và đưa cánh tay phải thẳng ra trước mặt, lòng bàn tay hướng về phía dưới sàn. Thả lỏng cổ tay, các ngón tay cũng hướng về phía dưới sàn, dùng tay trái để kéo nhẹ các ngón ở bàn tay phải hướng về phía cơ thể. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong 30 giây, sau đó thả tay ra, thực hiện tương tự với tay trái.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 4: Người bệnh ngồi và đặt hai bàn tay lên đùi, lòng bàn tay hướng về phía trần nhà. Từ từ khép nhẹ các ngón tay và nắm tay lại. Giữ cẳng tay trên chân, nâng nắm tay lên và đưa về phía cơ thể, uốn cong cổ tay. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong 10 giây, sau đó hạ nắm tay xuống đùi. Thực hiện bài tập này tối thiểu 10 lần.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 5: Người bệnh ngồi trên ghế, cánh tay đặt xuôi theo hai bên hông. Kéo căng cổ tay bằng cách hất bàn tay lên phía trên, giữ nguyên tư thế trong 10 giây. Sau đó, hạ tay xuống và thực hiện bài tập này 10 lần/mỗi bên, tối thiểu 3 lần/ngày.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 6: Người bệnh đứng hoặc ngồi, hai cánh tay được giữa hai bên sườn sao cho khuỷu tay gấp lại và vuông góc với cánh tay, lòng bàn tay hướng xuống phía dưới sàn. Từ từ xoay nhẹ cẳng tay để lòng bàn tay được hướng lên, sau đó xoay ngược lại để lòng bàn tay hướng xuống. Thực hiện bài tập này 10 lần.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 7: Người bệnh đứng hoặc ngồi, các ngón tay thả lỏng, mở rộng, sau đó từ từ nắm tay lại. Duỗi thẳng các ngón tay rồi nắm lại, thực hiện 30 lần.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 8: Người bệnh đứng, sau đó gập người sao cho hai tay chạm bề mặt của sàn nhà. Để bàn tay dưới các ngón chân sao cho lòng bàn tay hướng lên trên. Có thể uốn cong đầu gối để giữ các ngón chân được gần với cổ tay. Giữ nguyên cơ thể ở tư thế này trong 10 hơi thở.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 9: Dùng một dải băng quấn xung quanh bàn tay để hỗ trợ thực hiện bài tập này. Đầu còn lại quấn xung quanh bàn chân để cố định vị trí sao cho lòng bàn tay hướng lên trên. Khuỷu tay được giữ ở bên sườn, dùng cổ tay để cuộn tròn dải băng và siết cơ tay, cẳng tay. Từ từ thả xuống. Thực hiện bài tập này 15 lần đối với mỗi tay.
  • Bài tập giảm đau cổ tay 10: Đặt một quả bóng tennis hoặc bóng cao su trong lòng bàn tay, bóp bóng và giữ nguyên tư thế trong 10 giây. Thực hiện 15 lần ở mỗi bàn tay.
Theo: Vinmec

Bài viết khác