Bong gân cổ tay phải làm sao để mau khỏi?

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 620 Lượt xem

Bong gân cổ tay là chấn thương khá phổ biến, gây ra nhiều đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, nếu cổ tay bị bong gân không được chữa trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác. Vậy khi bị bong gân cổ tay phải làm sao để nhanh khỏi?

1. Bong gân cổ tay là tình trạng như thế nào?

Bong gân cổ tay là chấn thương khi dây chằng xung quanh khớp cổ tay giãn quá mức và rách (một phần hoặc toàn bộ). Dấu hiệu ban đầu thường gặp của chấn thương này là sưng viêm, đau nhói, xuất hiện vết bầm tím ở vùng bị chấn thương. Với tình trạng nặng hơn như khớp không cử động được, bệnh nhân cần thăm khám với bác sĩ ngay. Chấn thương kéo dài có nguy cơ cao ảnh hưởng đến cấu trúc xương, khớp.

2. Triệu chứng bong gân cổ tay

Tùy theo lực tác động mạnh hay nhẹ mà mức độ bong gân ở cổ tay có triệu chứng khác nhau. Theo Hiệp hội Phẫu thuật Bàn tay Hoa Kỳ, tình trạng này được phân chia thành 3 mức độ, từ nhẹ đến nặng:

Mức độ 1: Các dây chằng bị giãn nhẹ nên cảm giác đau nhức chỉ xuất hiện khi người bệnh di chuyển, cử động hay xê dịch cổ tay.

Mức độ 2: Các dây chằng bị rách một phần, triệu chứng đau nhói xuất hiện liên tục theo cử động khớp cổ tay.

Mức độ 3: Các dây chằng bị rách hoàn toàn, có thể đồng thời gây gãy nứt xương hoặc làm vỡ vài mảnh xương nhỏ. Cổ tay sưng viêm và đau nhức dữ dội, nguy cơ cao mất hoàn toàn khả năng cử động.

bong gan co tay phai lam sao de mau khoi
Dây chằng cổ tay càng bị giãn nhiều, rách hoặc đứt thì mức độ đau sẽ càng nghiêm trọng hơn, thời gian hồi phục cũng lâu hơn

3. Nguyên nhân gây bong gân cổ tay

Thông thường, bong gân cổ tay xuất hiện do va chạm mạnh, chấn thương do té ngã, vặn cổ tay đột ngột hoặc duỗi cổ tay quá mạnh. Mặt khác, các chấn thương mãn tính, lặp lại nhiều lần ở dây chằng cổ tay cũng có thể dẫn đến bong gân.

Một số yếu tố tiềm ẩn có thể gây bong gân cổ tay như:

  • Chấn thương trong thể thao (tennis, golf, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền…)
  • Thường xuyên bê vác vật nặng, sai tư thế.
  • Người tập luyện yoga với tư thế chống tay sai cách.

4. Bị bong gân cổ tay phải làm sao để khắc phục?

4.1. Phương pháp sơ cứu RICE

RICE là biện pháp sơ cứu giúp giảm đau, giảm sưng hiệu quả với bốn bước đơn giản:

  • R (Rest): Nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế hoạt động cổ tay ít nhất 48 giờ.
  • I (Ice): Chườm lạnh lên vùng bong gân bằng túi nước đá để xoa dịu vết thương. Lưu ý, để không làm da bị bỏng lạnh, chỉ nên chườm đá 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút.
  • C (Compression): Băng ép vết thương bằng băng thun hoặc băng keo y tế giúp giảm sưng tấy đáng kể.
  • E (Elevation): Nâng cổ tay cao hơn tim giúp giảm đau cũng như sưng viêm.

4.2. Đeo nẹp để cố định cổ tay

Sử dụng nẹp để giữ cho cổ tay cố định ở vị trí ban đầu. Nhưng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chỉ nên đeo trong thời gian ngắn, bởi dùng quá lâu có thể dẫn đến tê cứng và yếu cơ.

4.3. Sử dụng thuốc giảm đau

Một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như advil, aleve hoặc motrin sẽ hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng đau nhức và sưng tấy tạm thời. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể để lại tác dụng phụ làm tăng nguy cơ chảy máu và loét, vì thế người bệnh không nên lạm dụng thuốc và đảm bảo tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

4.4. Phẫu thuật

Trường hợp chấn thương nghiêm trọng, cơn đau kéo dài hơn 6 tuần liên tục hoặc khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để nối lại dây chằng bị rách hoàn toàn. Tùy thuộc vào chấn thương liên quan, phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua nội soi hoặc phẫu thuật mở.

4.5. Vật lý trị liệu

Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu được thiết kế riêng biệt cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị tiên tiến hàng đầu để nhanh chóng phục hồi khả năng vận động ban đầu. Tại ACC, bên cạnh sử dụng băng dán Rocktape, người bệnh còn được điều trị với Sóng xung kích Shockwave và Tia laser cường độ cao thế hệ thứ IV thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, đồng thời hỗ trợ tái tạo xương, gân và các mô mềm khác.

5. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Khi nhận thấy tình trạng bong gân cổ tay không có dấu hiệu thuyên giảm trong vòng 48 giờ, hoặc xuất hiện các triệu chứng kèm theo như đau, sưng tấy dai dẳng, bầm tím, khó cử động cổ tay… người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị kịp thời.

Theo: Phòng khám ACC

Bài viết khác