BẠN BIẾT GÌ VỀ SUY TĨNH MẠCH MẠNG NHỆN?

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 216 Lượt xem

Tĩnh mạch mạng nhện thường không gây đau đớn và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lại có thể làm mất đi tính thẩm mỹ của làn da.

Tĩnh mạch mạng nhện là những tĩnh mạch nhỏ, bị hư hỏng, thường xuất hiện trên bề mặt da nhìn trông giống như mạng nhện ở chân hoặc mặt. Các tĩnh mạch mạng nhện có thể có màu xanh, tím hoặc đỏ và xuất hiện dưới dạng các đường mỏng, mạng hoặc nhánh.

Nguyên nhân gây ra tĩnh mạch mạng nhện

Tình trạng tĩnh mạch mạng nhện ở chân có thể xảy ra khi các van bên trong tĩnh mạch không thể hoạt động như bình thường. Tĩnh mạch có chức năng mang máu về tim và ngăn máu chảy ngược nên chúng sẽ có van một chiều đóng lại sau khi máu đi qua.

Tuy nhiên, nếu van này yếu đi hoặc bị hỏng thì máu có nguy cơ chảy sai hướng. Theo thời gian, điều này có thể tạo ra khối phồng trong tĩnh mạch phân nhánh và gây ra tĩnh mạch mạng nhện.

Các tĩnh mạch mạng nhện trên vùng mặt thường là kết quả của các mạch máu nhỏ vỡ ra. Sự gia tăng áp lực trong mạch máu hoặc ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân gây ra tĩnh mạch mạng nhện.

Phân biệt tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch

Tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch là những dạng khác nhau của một tình trạng y tế gọi là suy tĩnh mạch. Cả hai vấn đề này nếu xảy ra ở chân đều do nguyên nhân là van bị suy yếu hoặc bị hỏng trong tĩnh mạch. Tuy nhiên, hai vấn đề này lại có triệu chứng khác nhau.

• Tĩnh mạch mạng nhện: Thường là những đường nhỏ, mỏng có thể bằng phẳng hoặc chỉ hơi nhô lên, thường có màu xanh, đỏ hoặc tím.

• Giãn tĩnh mạch: Tĩnh mạch thường lớn hơn và sâu hơn tĩnh mạch mạng nhện. Chúng cũng có thể xuất hiện dạng sần hoặc xoắn và thường có màu đỏ.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, giãn tĩnh mạch có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm:

  • Ngứa
  • Đau đớn
  • Xuất huyết
  • Cảm giác nặng ở chân
  • Sưng chân hoặc mắt cá chân

Tình trạng giãn tĩnh mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông và các vấn đề lưu thông máu trong cơ thể.

Yếu tố nguy cơ gây ra tĩnh mạch mạng nhện

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tĩnh mạch mạng nhện bao gồm:

• Di truyền học: Có tới 90% người có tĩnh mạch mạng nhện là do tiền sử gia đình.

• Mang thai: Khi phụ nữ bắt đầu mang thai, lượng máu di chuyển trong cơ thể tăng lên và thêm trọng lượng của thai nhi sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chân, làm xuất hiện tĩnh mạch mạng nhện. Tình trạng này có thể biến mất sau khi mang thai.
ban biet gi ve suy tinh mach mang nhen

• Phụ nữ: Tĩnh mạch mạng nhện có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn nam giới.

• Người lớn tuổi: Các van trong tĩnh mạch có xu hướng yếu dần theo thời gian. Các cơ bắp giúp hỗ trợ các tĩnh mạch ở chân và bơm máu lên trên cũng bị suy yếu dần khi lớn tuổi.

• Thừa cân: Trọng lượng cơ thể tăng thêm có thể gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch chân.

• Hormone: Việc kiểm soát hormone sinh sản và điều trị hormone thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc tĩnh mạch mạng nhện vì estrogen có thể làm suy yếu van tĩnh mạch.

• Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài: Các tĩnh mạch ở chân phải làm việc nhiều hơn để bơm máu về phía tim nếu bạn đứng hoặc ngồi quá lâu khiến van tĩnh mạch suy yếu.

• Cục máu đông hoặc tổn thương tĩnh mạch trước đó: Điều này có thể làm hỏng các van tĩnh mạch khiến chúng không thể hoạt động bình thường.

• Tác hại của ánh nắng mặt trời: Ánh sáng cực tím từ mặt trời có thể làm hỏng da, gây vỡ mạch máu hoặc tĩnh mạch mạng nhện, đặc biệt là trên da mặt.
Theo: Hello Bác Sĩ

Bài viết khác